Đây là một câu hỏi vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng cho tất cả mọi người. Bài viết hôm nay mình cũng không dám đưa ra câu trả lời, chỉ là chúng ta sẽ bàn luận một chút về nó để cùng hiểu thêm về một khái niệm cực kỳ quan trong trong cuộc sống này: Sứ mệnh.
Hiện nay mình thấy phần nhiều, có thể gọi là đa số, các học giả, chuyên gia về phát triển bản thân cũng như các diễn giả nổi tiếng tin rằng chúng ta “tìm ra” sứ mệnh cuộc đời mình. Mỗi người sinh ra đều được Thượng đế (hoặc một đấng toàn năng nào đó khác tùy vào tôn giáo và niềm tin của mỗi người) ban cho một sứ mệnh của cuộc đời. Nhiệm vụ của chúng ta là đi tìm ra điều đó, và rồi thực hiện nó với tất cả tâm sức và cố gắng của mình. Messi sinh ra với sứ mệnh là cầu thủ bóng đá. Lady Gaga sinh ra với sứ mệnh là ca sĩ. Mình sinh ra với sứ mệnh là viết blog (hy vọng thế 😄 ). Cũng giống như Steve Jobs nói trong bài diễn văn nổi tiếng của mình ở ĐH Stanford, là chúng ta phải kiên trì đi tìm đam mê của mình, không bao giờ bỏ cuộc. Tìm được đam mê rồi thì chúng ta sẽ thực hiện nó một cách đầy nhiệt huyết và không còn cảm giác “phải” làm việc một ngày nào nữa.
Nếu chúng ta không tìm được sứ mệnh đã nằm sẵn trong con người mình, thì cuộc sống và công việc sẽ không bao giờ được thỏa mãn. Chúng ta sẽ phải làm việc mà không có niềm hứng khởi và hiệu quả công việc cực thấp. Giống như khi Messi đi hát, Lady Gaga viết blog và mình đi đá bóng vậy.
Tuy nhiên cách nhìn này có một số vấn đề.
Thứ nhất là không phải ai cũng có tài năng nổi bật và dễ tìm ra. Với một người bình thường, người ta vẫn đi học, đi làm nhưng không tìm thấy một điểm gì nổi trội để gọi là sứ mệnh, hoặc đam mê cả. Họ làm việc vẫn tốt, vẫn hoàn thành nhiệm vụ. Ví dụ một nhân viên ngân hàng, rất khó để người này quả quyết một cách rõ ràng rằng sứ mệnh cuộc đời của tôi là trở thành một nhân viên ngân hàng.
Vấn đề thứ hai là có nhiều người giỏi nhiều cái cùng một lúc. Họ làm chúng đều thấy vui và kết quả cũng rất tốt. Nhưng thật khó để chọn ra cái để mình tin rằng là đam mê, là sứ mạng của mình. Lỡ chọn nhầm cái không phải thì sao, thời gian để bắt đầu lại là nhiều năm của cuộc đời.
Và vấn đề thứ ba là nó hạn chế khả tiềm năng đa dạng của một người. Giả sử một người làm toán rất giỏi, và tin rằng sứ mệnh của mình là trở thành một chuyên gia tài chính hàng đầu. Tin rằng mình đã tìm ra sứ mệnh cuộc đời rồi, người đó liên tục theo đuổi sự nghiệp đó cho đến đỉnh cao nhất. Nhưng khi đến đỉnh rồi, họ vẫn thấy thiếu điều gì đó, thấy vẫn chưa hoàn toàn hạnh phúc với cuộc đời mình, rồi mới nhận ra mình hạnh phúc hơn khi đi dạy học. Và trong quá trình theo đuổi sứ mệnh là chuyên gia tài chính, họ có thể bỏ qua một sứ mệnh thậm chí còn lớn hơn của họ, là nghề dạy học.
*
Một số người khác thì tin rằng con người chúng ta khi sinh ra như một tờ giấy trắng. Tất cả những điều xảy đến trong cuộc đời mình, mình giỏi điều gì, làm tốt điều gì, hạnh phúc với điều gì, và sứ mệnh là gì, đều do mình tạo nên cả. Cuộc sống của mình như thế nào đều có nguyên nhân gốc rễ từ chính mình mà ra. Quan điểm này sẽ giúp giải thích tốt cho 3 vấn đề vừa nêu ở trên.
Nếu chúng ta không thấy mình có tài năng nổi bật nào, thì không phải đợi Thượng đế ban cho, mà chính chúng ta phải học tập, rèn luyện để có được tài năng đó. Một nhân viên bán hàng bình thường có thể tự chọn cho mình sứ mệnh là “sứ giả nụ cười” và liên tục rèn luyện mình để trở thành một con người luôn vui vẻ và đem đến nụ cười cho tất cả khách hàng của mình. Không cần năng khiếu trời ban, bạn hoàn toàn có thể chọn sứ mệnh cho mình.
Tương tự nếu ai đó giỏi nhiều cái cùng lúc, thì cũng chỉ cần đơn giản là lựa chọn điều mà mình thích nhất, và liên tục phát huy nó.
Và vì chúng ta tin rằng mình làm chủ cuộc đời mình, có quyền lựa chọn, nên sẽ không bị bó buộc vào một sứ mệnh định trước nào cả. Chúng ta sẽ tự tin khám phá những vai trò mới, chọn cho mình những sứ mệnh phù hợp trong từng giai đoạn.
Nhưng không phải quan điểm này không có vấn đề.
Chúng ta không thể phủ nhận rằng có rất nhiều tài năng, sở thích hoặc tính cách của chúng ta có được là do bẩm sinh hoặc môi trường bên ngoài (từ thuở nhỏ hoặc lúc lớn lên). Messi không thể chọn để trở thành ca sĩ được, sẽ không ai nghe anh ấy hát cả.
Việc quá tự tin vào khả năng của bản thân có thể khiến cho chúng ta tập trung vào một lĩnh vực không phải thế mạnh của mình, và bị mất đi những lợi thế cạnh tranh. Ví dụ một người rất cao tự tin trong môn bóng đá, cũng giúp anh ta có được một số thành quả, nhưng không thể đạt được mức độ xuất sắc vì còn nhiều cầu thủ khác khéo léo và nhanh nhẹn hơn anh rất nhiều. Trong khi đó anh có thể tận dụng lợi thế trời sinh của mình để trở thành lợi thế cạnh tranh trong môn bóng chuyền. Chắc hẳn ở đây anh sẽ có nhiều cơ hội để trở thành người giỏi nhất hơn.
Nếu một người có sở thích thay đổi liên tục thì sẽ như thế nào? Người đó sẽ gặp khó khăn vì liên tục thay đổi “sứ mệnh” của mình, nhảy hết việc này đến việc khác mà không thật sự dành thời gian đủ lâu để trở nên xuất sắc ở một nghề nào.
*
Và hẳn bạn cũng thấy được rằng, cách mình phân tích ở trên là đẩy hai quan điểm trên về hai thái cực của chúng, một cái là tin hoàn toàn vào số mệnh định trước, tập trung đi tìm cho ra sứ mệnh được định sẵn cho mình. Một cái là không tin vào điều đó và đặt hoàn toàn trách nhiệm về sứ mệnh cho chính bản thân.
Và hẳn bạn cũng đoán được, là cuộc đời thường không ở những thái cực đó. Chúng ta thường nằm ở khoảng giữa, là sự kết hợp của cả hai góc nhìn này. Chúng ta vừa phải “tìm ra” chính mình, dựa vào những gì bản thân mình có, và biết những gì mình không có, để rồi từ đó ta “tạo nên” những công việc là đam mê, là sứ mệnh của cuộc đời.
Và mình nghĩ một cách dễ hiểu để làm được nó là chúng ta áp dụng theo thứ tự trước sau:
Trong những năm đầu của cuộc đời, chúng ta sẽ dành nhiều thời gian để đi tìm, để “tìm ra” những điều trong con người mình. Và kết quả của chặng đường đó là một số những điều mà chúng ta có khả năng làm tốt, và biết rõ những điều chúng ta sẽ không muốn làm. Ví dụ như mình thấy rằng mình có thể lập trình được, có thể viết được, có thể đem niềm vui đến mọi người được. Nhưng mình chắc chắn sẽ không làm diễn viên, không đi hát và không đi đá bóng chuyên nghiệp.
Một thời gian sau, khi đã hiểu về bản thân mình đủ nhiều, thì chúng ta sẽ chọn ra một số thứ và phải cố gắng thực hiện nó thật tốt. Đây chính là giai đoạn “tạo nên” sứ mệnh. Không có tài năng nào tự dưng đến và giúp chúng ta làm được một cách dễ dàng cả. Phải bỏ rất nhiều thời gian và công sức thì mới trở thành một người xuất sắc trong lĩnh vực đó. Và dần dần trong quá trính làm thiệt nhiều này, thử và sai, làm và thất bại, thành công cũng sẽ xuất hiện. Dần dần chúng ta sẽ biết rõ hơn về các việc chúng ta làm và thu gọn danh sách sứ mệnh lại, chọn ra một hoặc một vài cái chúng ta làm tốt nhất và đem đến niềm hạnh phục. Và đó là lúc “sứ mệnh” dần dần thành hình.
*
Mình cảm thấy bài này thiên nhiều về lý thuyết và lý tưởng quá, nên sẽ cần phải bổ xung thêm những phương pháp cụ thể để chúng ta có thể áp dụng vào cuộc sống của mình. Bạn có thắc mắc hoặc quan tâm điều gì thì hãy để lại trong phần bình luận bên dưới nhé. Mình sẽ lắng nghe và cố gắng viết các bài viết sau này phù hợp với mối quan tâm của các bạn.
Chúc vui,
Related Posts